Sau khi trào lưu một thời nhà nhà đầu tư vào nông nghiệp lắng xuống, cơn sốt đầu tư vào ngành dược được thổi bùng vào thời điểm cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 với những cái tên không hề xa lạ trên thị trường chuỗi bán lẻ.
Thêm một cuộc chiến tranh giành thị phần chuỗi bán lẻ ngành dược.
|
Nhiều tiềm năng?
Hiện nay, ngành hàng chăm sóc sức khỏe có độ phân mảnh cao, với nhiều sản phẩm tốt nhưng thiếu các phương tiện và cách thức marketing hiệu quả ra thị trường. Nhiều đơn vị sản xuất cũng không đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống phân phối riêng và đây rõ ràng là cơ hội cho MWG, DGW và FPTRetail và nhiều đơn vị khác dấn thân vào mảng phân phối sản phẩm sức khỏe.
Theo số liệu nghiên cứu từ FPT Retail, quy mô ngành dược khoảng 5 tỷ USD/năm, tương đương ngành điện thoại (5.8 tỷ USD) và cao hơn điện máy (3.7 tỷ USD). Còn theo IMS, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi với tổng chi tiền thuốc đã tăng 12% trong giai đoạn từ năm 2011-2016; trong khi tiêu dùng thuốc bình quân đầu người tăng 1.7 lần, từ 27.1 USD/người/năm (năm 2011) lên 45.8 USD/người/năm (năm 2016). Tuy nhiên, con số này chỉ mới bằng một nửa so với mức trung bình của các thị trường dược phẩm mới nổi, cho thấy vẫn còn nhiều khả năng tăng trưởng, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cũng như nhiều vấn đề sức khỏe phát sinh như một hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, ô nhiễm môi trường…
Đặc biệt, tăng trưởng của ngành dược là 13%/năm và không phụ thuộc vào biến động tình hình kinh tế.
Cuộc chơi có đơn giản?
Gần đây nhất, mặc dù chưa công bố chính thức nhưng nhiều nguồn tin cho biết đại gia Vingroup (VIC) chuẩn bị lấn sân sang mảng dược với việc đầu tư nhà máy dược phẩm có quy mô khoảng 9 ha cho giai đoạn 1 tại Bắc Ninh. Thương hiệu Vinphar sẽ sản xuất và cung ứng thuốc, đặc biệt dành cho hệ thống bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế Vinmec của Vingroup. Trước đó, năm 2014, Vingroup công bố chiến lược sẽ xây 10 bệnh viện Vinmec trong 5 năm, xây dựng Đại học Y Vinmec và bỏ 50 triệu USD đào tạo nhân lực ngành y… Việc đầu tư nhà máy dược được coi là một bước đi mới của Vingroup và phục vụ chiến lược mở rộng lĩnh vực y tế.
Hệ thống bệnh viện Vinmec thuộc Vingroup.
|
Vingroup có lẽ là một ngoại lệ bởi hầu hết mảng đầu tư kinh doanh nào doanh nghiệp này cũng nhảy vào tham gia và dường như đang dần hoàn thiện chuỗi cung ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, từ bất động sản, ô tô, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện…
Nhưng với FPT Retail (FRT), Thế giới Di động (MWG) hay Thế giới số (DGW) lại khác. Đây đều là những doanh nghiệp chuyên về bán lẻ cung ứng hàng điện máy, nay cũng nhảy vào kinh doanh dược phẩm – một ngành được cho là rất tiềm năng.
Tuy nhiên, sau khi MWG công bố đầu tư vào ngành dược bằng việc mua chuỗi nhà thuốc An Khang, MWG và DGW vẫn chưa dồn lực vào mảng này trong năm nay, trong khi FPT Retail đang cho thấy một chiến lược khá tham vọng khi quyết định mua chuỗi nhà thuốc Long Châu và mục tiêu sẽ mở thêm 20 nhà thuốc nữa (hiện đã có 10 nhà thuốc), năm sau là 100 cửa hàng/năm. Trong 4 năm tiếp theo, FPT Retail dự kiến mở tới 400 cửa hàng thuốc. Đặc biệt, nhà thuốc của Long Châu ngoài bán thuốc tân dược thì 40% còn lại sẽ bán mỹ phẩm, trang thiết bị y tế và thực phẩm chức năng, các nhóm hàng mang lại lợi nhuận cao hơn. Ngoài việc phát triển nhà thuốc, FPT Retail cho biết cũng sẽ tiếp cận kênh bệnh viện và phòng mạch.
Chuỗi nhà thuốc mà FPT Retail đang dồn lực đầu tư.
|
FPT Retail cho biết ưu thế của nhà thuốc Long Châu là có số đầu thuốc cao hơn gấp 6-7 lần và có giá trung bình rẻ hơn khoảng 20% so với các nhà thuốc khác. Vì thế, theo số liệu của FPT Retail, doanh thu bình quân theo tháng của một cửa hàng Long Châu vào khoảng 134,000 USD/tháng, cao hơn mức 32,000 USD/tháng của Phúc An Khang, 11,000 USD/tháng của Pharmacity hay 18,000 USD/tháng của Phano.
Theo kế hoạch, từ năm 2019, FPT Retail sẽ ghi nhận doanh thu từ lĩnh vực dược phẩm và trong khoảng 3 – 4 năm tới, mảng này sẽ đóng góp 30-40% tổng doanh thu Công ty.
Còn đối với MWG, vào cuối năm 2017, Công ty này đã cho biết hoàn tất việc mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đang từng bước xây dựng lại cửa hàng, mở mới với tên nhà thuốc An Khang. Theo dự tính ban đầu của MWG, ở mỗi quận của TPHCM sẽ có khoảng 2 – 3 cửa hàng dược. Ở phạm vi toàn TPHCM, MWG sẽ mở khoảng 100 cửa hàng và cả nước là 500 cửa hàng trong 2 – 3 năm tới.
MWG đang chùn bước?
|
Khởi đầu rầm rộ là thế, nhưng gần đây tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo MWG trần tình, trước đây MWG có ý định mua trên 51% một công ty dược phẩm để giữ quyền chi phối, thành công ty con và vận hành. Tuy nhiên, sau đó, ban lãnh đạo đánh giá lại rủi ro của ngành và quyết định thương lượng, điều chỉnh tỷ lệ đầu tư xuống dưới mức 40%. Như vậy, MWG không phải đơn vị vận hành nữa mà chỉ là đơn vị hỗ trợ với tư cách cổ đông lớn. Những điều chia sẻ trước đây về việc vận hành chuỗi treo lại hoàn toàn.
Ngược lại, DGW có vẻ như đang “nói là làm” khi vào tháng 8/2017chính thức cho ra mắt một sản phẩm thuộc ngành hàng chăm sóc sức khỏe. Theo kế hoạch, DGW đặt mục tiêu năm 2017 sẽ phát triển mạng lưới phân phối tới 5,000 nhà thuốc, và lên 10,000 nhà thuốc vào năm 2018, đạt 20,000 nhà thuốc vào năm 2019. Cùng với đó, DGW đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt doanh số 600 tỷ đồng từ ngành hàng này.
Theo lãnh đạo DGW, hiện nay, các công ty dược lớn đều là đơn vị sản xuất và tự phân phối sản phẩm. Trong khi đó, các công ty nhỏ thì sản xuất và chỉ phân phối ở phạm vi thị trường nhỏ, không đủ sức để triển khai toàn quốc. Đây chính là thị trường ngách đầy hấp dẫn. Thêm vào đó, tỷ suất lợi nhuận gộp cho ngành hàng thực phẩm chức năng và thuốc không kê toa có thể ở mức 60 – 65%.
Sản phẩm do DGW phân phối tại các nhà thuốc.
|
Mặc dù qua các con số cho thấy dư địa tăng trưởng rất nhiều nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp sản xuất dược lâu năm như DHG, OPC…, cuộc chơi ở lĩnh vực dược phẩm không hề đơn giản.
Dĩ nhiên, trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cơ hội cũng thường đi kèm với rủi ro. Việc thành công hay không tùy thuộc vào người làm kinh doanh có chọn được hướng đi phù hợp, có chiến lược kinh doanh tốt, có đủ nguồn lực và khả năng thực thi tốt hay không.